
Một ngày với bao nhiêu là kiến thức…
Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016
Hôm nay, các anh chị văn phòng Caritas Đà Lạt tổ chức chuyến đi tham quan mô hình vườn cà phê để cỏ ở Tân Thanh - Lộc Phát - Bảo Lộc – Lâm Đồng cho bà con nông dân tại các điểm Đạ Tông, Tu Tra và Đinh Trang Hòa. 10 nông dân tại Đạ Tông phải dậy lúc 3h30’ cùng ngày để kịp chuyến xe đi Tân Thanh xuất phát vào lúc 4h00 tại nhà thờ Đạ Tông. Trời tối, sương mù dầy đặc suốt đoạn đường đèo khiến tài xế không thể chạy nhanh được. Biết xe đã trễ hẹn nên khi trời sáng, tài xế bắt đầu cho xe đi nhanh hơn. Trên xe đã phân chia thành 4 nhóm để dễ quản lý, 1 nhóm có thể từ 3 đến 4 người.
Hơn 7 giờ sáng, đoàn tới Giáo xứ Liên Khương. Chúng tôi ghé 1 quán để ăn sáng khoảng 15’ và đón thêm 3 người từ Tu Tra và một số anh chị em trong văn phòng Caritas Đà Lạt. Hai nhóm gặp nhau ầm ĩ nói chuyện và giao lưu để xua tan cảm giác mệt mỏi khi phải đi 1 đoạn đường dài xuống Tân Thanh. Dọc đường đi, tôi nhìn thấy những vườn cây cà phê, những cánh đồng lúa và một số gia đình tận dụng diện tích trước sân để trồng bắp. Chắc hẳn trong số những nông dân trên xe không ít người cũng có câu hỏi như tôi: tại sao họ lại trồng như thế? tại sao những cánh đồng lúa của họ lại gặt như vậy? Vạn câu hỏi tại sao đang diễn ra trong đầu mỗi người chúng tôi.
Trong khi mỗi người chúng tôi đang suy nghĩ câu hỏi tại sao thì con đường dài từ Đam Rông tới Bảo Lộc giờ đây trở nên ngắn lại. Chúng tôi đã tới nơi mà vạn câu hỏi tại sao sẽ tìm được câu trả lời. Dừng chân tại Giáo Xứ Tân Thanh, chúng tôi được Cha xứ và các cô chú trong Ban Bác Ái xã hội của Giáo xứ tiếp đón nhiệt tình và thân thiện. Cha xứ giới thiệu những mô hình vườn cà phê để cỏ của mấy chú mà chút nữa chúng tôi sẽ đến thăm và học hỏi kinh nghiệm. Chúng tôi cũng gặp nhóm nông dân từ Đinh Trang Hòa đã đến trước. Mọi người chào hỏi và tự làm quen với nhau. Tiếp đó, đoàn được chia thành 3 nhóm để đi vào vườn. Đường vào vườn rất xấu, có nhiều hố sâu, bùn, trơn và dốc. Tôi thấy người lái xe máy cày chở chúng tôi đi rất khó khăn để điều khiển phương tiện nhưng chuyến đi rất vui và để lại những kỷ niệm sâu sắc đối với mỗi một người trong đoàn chúng tôi. Chắc hẳn trong những khó khăn luôn có sự hiện diện và đồng hành của tình yêu Chúa hiệp thông trong chuyến đi của đoàn.
Cuối cùng, chúng tôi cũng tới được vườn của các chú, nhìn vườn cà phê xanh tươi quá, mặc dù dưới đất toàn là cỏ, gốc cây cà phê lại không cào bồn, những thứ như vậy cũng đủ để chúng tôi đặt ra bao nhiêu câu hỏi cho các chú ở đây. Khi vào sâu bên trong vườn thì chú dẫn đường giải thích rất tỉ mỉ về những câu hỏi của chúng tôi. Và những câu hỏi tại sao thế này, tại sao thế kia … trong đầu chúng tôi lúc bấy giờ đã được sáng tỏ.
Các chú chỉ dẫn tận tình từ khâu bón phân, bấm ngọn, tỉa cành, cách phòng trừ sâu bệnh. Điều đặc biệt là vườn cà phê của các chú gần 20 năm nay không phải tưới nước. Khi để cỏ vào mùa khô đất vẫn ẩm nên không cần tưới nước, cà phê sống chỉ nhờ vào nước mưa. Chú nói trồng cỏ là để giữ ẩm cho cây vào mùa khô. Thêm nữa, các nốt sần ở rễ cỏ sẽ cung cấp hàm lượng dinh dưỡng và đạm làm cho đất tơi xốp. Chú chỉ cắt cỏ 3 lần /1năm và để lại gốc cỏ cao từ 15 – 20 cm, cắt hàng cách hàng chứ không cắt hết đề phòng chuột phá hoại cắn cây cà phê con, và để cây không bị sốc khi tiểu khí hậu trong vườn bị thay đổi đột ngột nếu cắt hết cỏ trong 1 lần. Cà phê được trồng xen với các loại cây lấy gỗ, cây ăn trái như sầu riêng, bơ, mít… giúp che bóng và chắn gió cho cả vườn.
Các chú thường bấm ngọn vào tháng 4 – 5 hằng năm, cây cà phê chỉ để cao 1,5m giúp dễ hái và tạo tán. Nên bón phân cân đối, đạm, lân, kali, đa và vi lượng trong 1 lần bón. Các cành già cỗi, không còn khả năng ra hoa kết quả thì nên cắt bớt để nuôi chồi ghép. Trong 1 năm đầu tư phân bón hết 17 triệu/ha. Trong chuyến đi này chúng tôi được tham khảo và mở rộng tầm mắt về các giống cây cà phê, có giống chín sớm có giống chín muộn. Tuy để cỏ nhưng cà phê rất sai trái: trái to, đẹp.
Một nông dân ở Đạ Tông chia sẻ: ở chỗ chúng tôi trồng cà phê mà để cỏ thì hàng xóm sẽ chê gia đình này lười nên không làm cỏ. Nhiều hộ gia đình đã lạm dụng thuốc cỏ để phun cho cả vườn. Hậu quả là cây cà phê bị đứng không phát triển, thêm nữa vào mùa khô phải tưới nước nhiều lần do đất đai khô cằn.
Chúng tôi đi từ đồi này đến đồi kia, đặt hết câu hỏi này đến câu hỏi khác thì đã đến trưa. Chúng tôi ra khỏi vườn lên xe về nhà chú trưởng Caritas giáo xứ. Ở đó, các cô chú nấu nướng và chuẩn bị đồ ăn rất thịnh soạn. Trong mâm cơm có cha với con, có anh với em cùng dùng chung bữa trong bầu không khí vui tươi, thân thiện. Trong bữa cơm trưa, chúng tôi cùng góp với chủ nhà 1 chóe rượu cần để mọi người cùng thưởng thức đặc sản của người dân tộc. Mỗi 1 người đều uống và nhấp môi thử 1 ly rượu cần. Ăn và uống xong thì chương trình tiếp tục với việc chia sẻ và đúc kết những gì đã được học trong buổi sáng. Sau khi các nhóm lần lượt chia sẻ những gì đã học được, kĩ sư Trần Thanh Tâm đã giúp chúng tôi hiểu sâu hơn trong phần trình bày 30 phút về một số kỹ thuật khi trồng cây cà phê.
Anh Tâm chia sẻ và giảng dạy từ lý thuyết đến thực hành một cách tỉ mỉ và chậm để chúng tôi là người dân tộc hiểu được. Anh chỉ dẫn từ khâu bón phân, cắt tỉa, bấm ngọn và việc chăm sóc cây cà phê để cho ra năng suất cao hơn. Anh nói: “trồng cà phê để cỏ để làm gì? Trồng để cỏ như vậy mình sẽ có thời gian đi chơi, có thời gian với bạn bè. Mình không cần phải làm gì cả, để đó khi nào thu hoạch thì đi hái.” Ai cũng tâm đắc câu nói đó. Trong buổi giao lưu này, lần đầu tiên chúng tôi nghe khái niệm cà phê ngủ và cà phê thức. Cà phê ngủ là khi cây không ra rễ trắng, còn khi cà phê thức thì cây bung rất nhiều rễ trắng. Chỉ cần theo dõi trong 1 hoặc 2 tuần là sẽ biết cà phê ngủ hay thức. Sau khi thảo luận trong nhà, mọi người kéo nhau ra ngoài vườn thực hành cách bón phân. Bón phân cũng phải có kỹ thuật riêng của nó, chỉ cần xoay cổ tay là có thể rải phân được 1 gốc. Không cần phải đi vòng tròn mất thêm công và thời gian. Cách bón này được rất nhiều nông dân học và được thực hành ngay tại vườn.
Trong không khí hăng say với vô vàn kiến thức và trải nghiệm từ sáng đến giờ, đã đến giờ chúng tôi phải chia tay và chào tạm biệt nhóm nông dân ở Caritas Tân Thanh để lên xe đi về Đam Rông. Ai cũng xin số điện thoại của anh kĩ sư trẻ về để khi nào cần thì tiếp tục liên lạc.
Một nông dân trẻ ở Đạ Tông chia sẻ: bản thân tôi trước khi đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm nơi các chú, tôi chẳng biết cách chăm sóc cây cà phê như thế nào. Giờ đây sau khi học hỏi, tôi cũng đọng lại một chút ít về cách bón phân, cách trồng và chăm sóc nó. Tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài lời cám ơn những người đã tạo điều kiện, những người đã chia sẻ kinh nghiệm cho chúng tôi. Sau khi về nhà, tôi sẽ truyền đạt lại cho những người không có cơ hội đi giao lưu và học hỏi hôm nay. Anh cũng muốn thử 1 lô nhỏ trong vườn cà phê của mình để kiểm tra kết quả trước khi có thể áp dụng cho cả vườn.
Chúng tôi lên đường về Đam Rông. Gần Liên Khương, chúng tôi ghé 1 quán nhỏ để ăn cơm và đoàn chúng tôi phải tạm biệt nông dân ở Tu Tra sau bữa cơm đó.
Buổi chia sẻ nhiệt tình và sôi nổi cộng thêm lòng hiếu khách của chủ nhà đã làm tăng thêm mối thân tình của những người con cái Chúa từ các nơi: Đam Rông, Tu Tra, Đinh Trang Hòa, Tân Thanh, Đà Lạt. Tạ ơn Chúa vì mỗi ngày chúng con được biết hơn một chút. Chúng con cảm nghiệm ra rằng thiên nhiên là món quà Chúa ban, Chúa có đủ quyền năng để nuôi sống tất cả muôn loài. Khi con người sống hòa hợp với thiên nhiên, với muôn loài, chính thiên nhiên sẽ nuôi sống con người. Khi con người sử dụng những hóa chất tự tạo ra để điều khiển thiên nhiên, con người sẽ hủy diệt sự sống trong thiên nhiên và hủy diệt cả bản thân mình. Xin cho chúng con biết trân quý thiên nhiên và biết quý trọng nhau, cùng chia sẻ để cùng được phong phú và lớn lên mỗi ngày.
Kết thúc một ngày với bao nhiêu là kiến thức…
Pang Pế K’Thin
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét