Làm chuồng heo hay rào vườn cây ???
Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016
Trong buổi thảo luận về kế hoạch phát triển buôn làng trong năm tiếp theo, mỗi thôn đều đưa ra nhiều hoạt động khác nhau, căn cứ vào mối quan tâm của chính họ…
Một trong những hoạt động được “gây chú ý” là làm chuồng heo. Người dân đề nghị được “vay lưới để làm chuồng heo”. Mặc dù có hơi bất ngờ, nhưng chúng tôi cảm thấy vui vui vì những ý tưởng của họ. Sơ Sai thì thầm vào tai tôi : “Heo người dân tộc quen thả rông rồi, nên nó sẽ không chịu ở yên trong chuồng, thế nào cũng nhảy ra hoặc phá chuồng mà chui ra”. Gần như vô thức, tôi thì thầm đưa ra “sáng kiến”: Có thể cột xích vào cổ nó (như người ta vẫn xích chó), thì sẽ giữ được heo không nhảy ra khỏi chuồng !!!
Sau khi kết thúc buổi làm việc, chúng tôi có những cuộc trao đổi bên lề đầy ngẫu hứng. Không nén được tò mò, tôi hỏi: Sao người ta không làm chuồng heo bằng cây (gỗ) mà lại làm bằng lưới, không sợ heo nó cắn rách lưới à? Bạn trẻ thở dài não nuột “ Cô ơi, họ không phải là làm cái chuồng nhốt con heo lại, mà muốn vay tiền mua lưới B40 rào cái vườn để có thể trồng cây trong đó cho heo khỏi phá. Một miếng vườn có khi đến 1-2 sào (1-2,000m2), sẽ tốn rất nhiều tiền mua lưới!”
Vì sao họ ko chọn cách nhốt heo mà lại thích chọn cách “nhốt cây”, dù cho cách này tốn tiền hơn nhiều?; Vì họ ko có thói quen cho heo ăn. Heo đồng bào nuôi thường tự đi kiếm ăn, nếu họ có cơm dư thì cho nó ăn, không có thì thôi. Nếu nhốt lại thì ngày nào cũng phải cho ăn ít nhất 2 lần, họ không muốn!; À… vậy thì mình phải giúp họ phân tích lợi ích, xem cái nào lợi hơn thì họ sẽ chọn…
Sau lời tư vấn mang tính “kinh điển”, tôi lại bị cuốn vào rất nhiều câu chuyện khác của các bạn trẻ khác…
Bồng bềnh trên chuyến xe quay trở về thành phố Hồ Chí Minh, “câu chuyện chuồng heo” lại quay về. Tôi nhẩm tính “bài toán lợi ích” của việc “nhốt heo hay nhốt cây”:
- Nếu nhốt heo : Mỗi con heo sẽ cần ăn ít nhất 2kg rau mỗi ngày, nếu có 4 - 5 con heo sẽ phải kiếm 8 - 10kg rau, vườn quanh nhà đã trồng trọt hết nên phải đi xa kiếm rau, có khi mất cả buổi mới kiếm đủ. Một buổi nếu đi làm thuê sẽ được ít nhất 50.000đ x 30 ngày/tháng = 1.500.000đ/tháng x 12 tháng = 18.000.000đ/năm. Ngoài ra, nếu không phải tất cả các nhà đều nhốt heo, thì vẫn không thể trồng cây trong vườn được, vì heo của các nhà không nhốt sẽ đến ..kiếm ăn trong vườn nhà mình, rồi sẽ dẫn xích mích xóm làng vì chủ rau nói heo ăn, chủ heo nói không phải heo của họ ăn. Hơn nữa, khi nuôi heo thả, những người có vườn, rẫy xa thường mang cơm đi làm cả ngày, tối mới trở về nhà. Nếu nuôi heo nhốt, buổi trưa bắt buộc phải về nhà cho heo ăn. Và một điều quan trọng không kém, những chú heo Tây Nguyên vốn yêu tự do kia có chấp nhận cuộc sống “giam cầm”, hay sẽ tìm mọi cách vượt tường cao, hào sâu để đi theo “tiếng gọi nơi hoang dã” ???
- Nếu “nhốt cây” (rào vườn): 1 mảnh vườn 1 sào (giả định bề ngang 20m, bề dài 50m), nếu làm rào cao 1m sẽ tốn 140m2 lưới B40. Giá lưới khoảng 60.000đ/m2 x 140 = 8.400.000đ, cộng thêm tiền trụ, tiền công ước tính 17.000.000đ, sử dụng được ít nhất 3 -5 năm, vậy tính về lợi ích kinh tế thì “nhốt cây” vẫn lợi hơn “nhốt heo”, mặc dù đầu tư ban đầu hơi lớn. Hơn nữa, nếu “nhốt cây” thì không lo heo phá, mỗi gia đình có thể bắt đầu làm theo khả năng , không cần phải làm đồng loạt cả thôn, vẫn có thể trồng cây được.
Tính xong “bài toán lợi ích”, tôi chìm dần vào giấc ngủ trong nhịp lắc lư chao đảo khi xe đổ dốc đèo… Tôi mơ màng nhớ lại những kỷ niệm ngọt ngào của những ngày này 20 năm trước, cũng một buổi chiều mưa gió ngồi ở nhà sàn trong một làng M’Nông cổ ven hồ Lak, dưới chân cầu thang nhà nào cũng có một bầy heo, những chú heo con lưng sọc vàng/nâu rất đặc biệt, những con heo mẹ lưng cong, bụng sệ sát đất, ánh mắt sắc như dao nhìn thẳng vào người lạ với vẻ cảnh giác khôn cùng, bọn heo xúm xít quanh một cái nồi nhôm cũ méo mó, tranh nhau ăn chút cơm canh dư được đổ xuống từ trên sàn nước sau hè. Rồi câu chuyện “Người hát rong giữa rừng” của Nguyên Ngọc, bài hát “Gọi con heo” đã đưa những người lính Fulro quay trở về với buôn làng… Tôi bỗng nhận thấy mình ngu ngốc xiết bao khi nảy ra ý tưởng “cột cổ heo như xích chó” để giữ nó trong chuồng.
Có lẽ sẽ đến ngày những con heo Tây Nguyên sẽ biến mất, vì người đông dần, đất chật dần.. những mảnh vườn quanh nhà được rào lại để trồng cây, nuôi sống con người, những trảng cỏ ven đường cũng ít dần, rẫy sẽ chỉ tồn tại trong ký ức của người già và không còn khái niệm trong tâm trí người trẻ…
Lâu lắm rồi mới có dịp quay lại với Tây Nguyên… đã không còn bếp lửa trên nhà sàn, không còn rượu cần, lúa rẫy… một người bạn M’Nông nói với tôi rằng người trẻ bây giờ thích luật của người Kinh hơn luật tục của ông bà xưa, vì họ có thể dễ dàng ly hôn hơn, sống phóng khoáng hơn…
Tây Nguyên sẽ còn lại gì, sau nỗ lực “khai sáng” không ngừng nghỉ của những con người đến từ “thế giới văn mình” trong suốt 3 thế kỷ qua ????
Tôi biết câu hỏi này sẽ ám ảnh tôi mỗi ngày, cho đến khi tôi rời bỏ thế giới này.
TP HCM, tháng 6/2016
Lê Thị Lệ Thủy
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét