
Caritas Đà Lạt tổ chức dịp tĩnh huấn: Caritas Sống Lòng Thương Xót Và Hoán Cải Môi Sinh
Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016
Với ước mong sống triển nở hơn Năm Thánh Lòng Thương Xót và hưởng ứng lời
kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông Điệp Laudato Si’ về bảo vệ môi trường,
Văn phòng Bác Ái Xã Hội - Caritas Đà Lạt
đã tổ chức một kỳ Tĩnh huấn với chủ đề: Caritas Sống Lòng Thương Xót Và Hoán Cải
Môi Sinh trong hai ngày 23 và 24 tháng 9 năm 2016 tại Trung Tâm Mục Vụ Đà Lạt.
Trong ánh nắng dịu nhẹ của mùa thu, ngay từ sáng 23.9, Trung Tâm Mục Vụ đã
chào đón hơn 200 tham dự viên là các thành viên Caritas đến từ các Giáo xứ
trong khắp Giáo phận Đà Lạt. Kỳ Tĩnh huấn được mở đầu bằng Thánh Lễ cầu cho hòa
bình và cho việc bảo vệ môi sinh thật sốt sắng, dưới sự chủ tế của Đức Cha Antôn – Vị chủ chăn của
Giáo phận Đà Lạt - cùng với các cha đồng tế là Cha Vinhsơn Nguyễn Ngọc Đồng –
Giám Đốc Caritas Việt Nam, Cha Gioan Bosco Hoàng Văn Chính – Giám đốc Caritas
Đà Lạt và các cha đang dấn thân cho công tác bác ái xã hội tại các Giáo hạt.
Trong bài giảng, dựa vào Bài Tin Mừng Tám Mối Phúc thật (Mt 5, 1-12), Đức
Cha Antôn đã chia sẻ với cộng đoàn rằng trong Tám Mối Phúc, mối phúc đầu tiên
là chủ chốt và quan trọng nhất: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời
là của họ”. Có tâm hồn nghèo khó tức là tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và
làm theo ý Thiên Chúa. Adam và Evà đã không sống được điều này. Ngược lại, Đức
Giêsu đã từ vị thế là Con Thiên Chúa để trở nên người nghèo của Thiên Chúa.
Theo gương Chúa Giêsu trên Thập Giá, nhờ tín thác vào Thiên Chúa thì ta mới có
thể sống trọn vẹn những mối phúc khác và nhất là có được lòng thương xót như
Chúa Cha.
Tiếp theo, Đức Cha Antôn chia sẻ Thông Điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha
Phanxicô, nhất là số 1 và số 2 của Thông Điệp. Theo đó, con người đã quên mình chỉ
là một thụ tạo, chỉ có thể tồn tại nhờ vào các yếu tố của Trái Đất như không
khí và nước, để rồi xem mình như là chủ nhân của Trái Đất và có quyền sử dụng
và tận diệt Trái Đất cũng như những đồng loại nghèo khổ của mình. Đức Cha Antôn
nhấn mạnh rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn liên kết Trái Đất bị hủy hoại với
người nghèo đang bị áp bức bỏ rơi. Đây là cặp đôi xuất hiện xuyên suốt từ đầu đến
cuối Thông điệp này.
Sau đó, Đức Cha Antôn nhắc đến sự kiện lớn mới xảy ra, đó là ngày thế giới
cầu nguyện cho môi sinh (1/9) và ngày các tôn giáo cầu nguyện cho hòa bình (20/9).
Ngài cũng đọc lại lời kêu gọi hòa bình của các tôn giáo. Theo đó, các tôn giáo
có nhiệm vụ xây dựng hòa bình. Lời cầu nguyện cho hòa bình sẽ bảo vệ và soi
sáng thế giới. Hòa bình là Danh Thiên Chúa. Những người tin được mời gọi lắng
nghe tiếng kêu than của người nghèo, của trẻ em và những người yếu thế để dấn
thân hơn nữa trong công việc phục vụ và xây dựng hòa bình.
Kết bài giảng, Đức Cha Antôn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Giáo Hội Công
Giáo đã có được một vị Giáo Hoàng quan tâm đến hòa bình, thiên nhiên và con người.
Và Đức Cha mời gọi cộng đoàn là những thành viên Caritas sống hài hòa mối tương
quan Thiên – Địa – Nhân, là mối tương quan với Thiên Chúa, với nhau và với cả
muôn loài thụ tạo, hầu tất cả được sống hạnh phúc, triển nở và sống trọn vẹn ơn
gọi tôn vinh Thiên Chúa.
Từ cao điểm và ân sủng lãnh nhận từ Thánh Lễ, các tham dự viên được chính
thức bước vào kỳ Tĩnh huấn với bài chia sẻ đầu tiên của cha Vinhsơn – Giám Đốc
Caritas Việt Nam về “Caritas và Lòng Thương Xót”. Triển khai Thông Điệp “Thiên
Chúa là Tình Yêu” của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI và Dụ ngôn Người Samari nhân
hậu (Lc 10, 25-37), Cha Vinhsơn đã cho thấy việc Phục Vụ Bác Ái là trách nhiệm
bắt buộc đối với người Kitô hữu, giống như việc Rao Giảng Tin Mừng và cử hành
Bí Tích. Vì thế, Kitô hữu không được bỏ qua nhiệm vụ này, mỗi người phải tìm cách thực thi việc
bác ái theo hoàn cảnh riêng của mình. Và mẫu gương của việc thực thi bác ái
chính là người Samari nhân hậu, người đã thực thi lòng thương xót bất chấp những
ngăn trở của tôn giáo, văn hóa, dân tộc,.. và cả những thành kiến. Chính Đức
Giêsu cũng đã sống lòng thương xót này và cao hơn nữa, Ngài thương xót cả kẻ
thù. Những ý tưởng này quả thật là kim chỉ nam quý giá cho các thành viên
Caritas Giáo xứ trong công tác bác ái xã hội của mình.
Dịp Tĩnh huấn này cũng là dịp họp mặt các thành viên Caritas trong toàn
Giáo phận Đà Lạt nên cũng là dịp để Văn phòng Caritas Giáo phận trình bày kế hoạch
chiến lược sẽ được áp dụng trong toàn Giáo phận trong 4 năm 2016 – 2019. Trong
kế hoạch chiến lược này, Caritas Đà Lạt nhấn mạnh 3 mục tiêu cụ thể chính là:
Áp dụng Linh đạo Caritas như một kim chỉ nam cho mọi hoạt động bác ái xã hội;
xây dựng và kiện toàn mạng lưới Caritas toàn Giáo phận; và hướng đến phục vụ
người nghèo, người bị bỏ rơi và hướng đến một sự phát triển bền vững. Mỗi mục
tiêu sẽ được cụ thể hóa bằng những hoạt động trải dài trong suốt 4 năm. Thêm
vào đó, các tham dự viên cũng được thấy những hoạt động đã và đang thực hiện của
Văn phòng Caritas Đà Lạt và của một số Giáo xứ trong Giáo phận. Nhờ đó, các
tham dự viên có thể học hỏi được thêm nhiều ý tưởng để thực hiện việc bác ái
trong giáo xứ của mình.
Bước vào phần quan trọng khác của kỳ Tĩnh huấn là HOÁN CẢI MÔI SINH, các
tham dự viên tiếp tục được Cha Giám Đốc Caritas Việt Nam chia sẻ những ý tưởng
chính yếu và chủ đạo nhất của Thông điệp Laudato Si’ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Và cuối bài chia sẻ, Cha Vinhsơn mời gọi các tham dự viên xét mình về tương
quan giữa bản thân với Thiên Chúa, với chính mình, với tha nhân và đặc biệt với
thiên nhiên vạn vật.
Và việc xét mình ấy được nội tâm hóa qua giờ cầu nguyện sám hối môi sinh
vào buổi tối. Trong bầu khí ấm áp, cộng đoàn đã cùng nhau dâng tiếng hát ca tụng
Đấng Hóa Công vì món quà thiên nhiên tuyệt vời Ngài đã ban cho nhân loại. Thế
nhưng, món quà ấy đã và đang bị con người hủy hoại bằng những hành vi vô trách
nhiệm và ích kỷ dưới góc độ của từng cá
nhân cũng như tập thể. Qua việc lắng nghe những lời khuyến dụ của các Đức Thánh
Cha, qua các đoạn phim ngắn cũng như các hình ảnh của môi trường đang bị tàn
phá, cộng đoàn đã ý thức được tội lỗi phạm đến môi sinh của bản thân và ca lên
lời hối lỗi: “Vạn lạy Chúa, xin thương xót, xin dủ lòng thương, xin thương xót,
xin thương xót, xót thương con cùng”. Việc sám hối không chỉ dừng lại ở lời thú
tội nhưng cần được thực tế hóa bằng những công việc cụ thể hàng ngày trong gia
đình, khu xóm và giáo xứ. Ước mong rằng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần
và với những tâm tình cảm nghiệm được trong giờ cầu nguyện, các tham dự viên sẽ
có quyết tâm và kiên trì để thực hiện những hành động cụ thể trong việc hoán cải
môi sinh.
Sáng 24.9, các tham dự viên được PGS.TS
Lê Anh Tuấn – chuyên gia về môi trường và biến đổi khí hậu - chia sẻ về cách
truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và bảo vệ
môi trường. Thầy cũng trình bày một trong những khía cạnh thiết thực của Thông
Điệp Laudato Si’ là tình trạng ô nhiễm rác thải và văn hóa gạt bỏ. Kết thúc kỳ
Tập huấn, các tham dự viên có dịp ngồi lại để cùng với nhau đưa ra chương trình
hoạt động cụ thể về bảo vệ môi trường cho địa phương của mình trong đời sống
thường nhật. Các nhóm thảo luận đã đưa ra được những ý tưởng hành động phù hợp
với hoàn cảnh sống của địa phương mình như: thu gom rác, phân loại rác phân hủy
và không phân hủy, hạn chế dùng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp, trồng
rừng, trồng rau sạch, trồng cà phê để cỏ để chống xói mòn và để giảm thiểu việc
tưới trong mùa khô, tận dụng rác thải nông nghiệp từ rơm rạ, mô hình chăn nuôi
sản xuất khép kín, bảo vệ nguồn nước,…
Kỳ Tĩnh huấn kết thúc với tinh thần đầy
hăng hái của các tham dự viên trong nỗ lực hòa giải với người anh em thiên
nhiên. Nguyện xin Đấng Hóa Công chúc lành cho thiện chí và những cố gắng của
chúng con, để mối tương quan giữa con người và thiên nhiên được cải thiện và để
Trái Đất này trở nên một nơi đáng sống hơn cho con người ngày hôm nay và cho
các thế hệ tương lai.
Diễm Chi
Bài liên quan
Trả lờiXóaI'm extremely impressed with your writing skills and also with the layout on your weblog. Is this a paid theme or did you customize it yourself? Anyway keep up the excellent quality writing, it is rare to see a great blog like this one these days. apple itunes login