
Giao lưu học hỏi cùng tổ chức MASIPAG Mindanao
Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019
Đi bộ xuyên qua quả đồi của xứ sở dừa
trong thành phố Davao, chúng tôi bắt đầu ngày đi thăm cộng đồng đầu tiên trong
5 ngày giao lưu học hỏi cuối tháng 4/2019 cùng tổ chức chủ nhà MASIPAG
Mindanao. Chúng tôi được dẫn đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: Những
cây dừa trên 30 tuổi đứng sừng sững trên những quả đồi như những chiến sĩ đang
bảo vệ vùng đất dốc này không bị sạt lở. Những lán che nghỉ chân được dựng kiên
cố dọc đường đi bởi một vài hộ gia đình là nơi gặp gỡ, nơi trú chân của người
nông dân khi đi đồng gặp mưa, tránh nắng… Ngôi làng nhỏ bé 27 hộ gia đình như một
thiếu nữ nằm ngủ quên yên bình giữa một cánh rừng đang dang cánh tay vạm vỡ bảo
vệ. Người dân canh tác nông lâm nghiệp kết hợp không cần phá cây lớn, không cần
phát cỏ. Cách làm nông này đã giúp cho một khu vực trải qua 5 tháng không có
mưa nhưng đất đai vẫn được phủ xanh, mát và không bị xói mòn. Những con heo buộc
dây, gà buộc chân cũng giúp nông dân Lâm Đồng có thêm ý tưởng để giải quyết
tình trạng chăn nuôi thả rông gây hại mùa màng cho xóm giềng.
Nhóm nông dân phụ nữ MASUPIT cùng đàn
con đông đúc đang ngồi chờ đón chúng tôi gồm các nhân viên Caritas Đà Lạt và những
nông dân đến từ các làng dân tộc thiểu số trong tỉnh Lâm Đồng. Ngôi nhà nguyện nằm
lọt thỏm trong khe đồi được chống đỡ bằng vài cột trụ, có mái che, chung quanh
mở ngỏ hòa hợp cùng thiên nhiên. Trong khi chia sẻ kinh nghiệm hình thành, hoạt
động, cách tổ chức của nhóm MASUPIT, những khó khăn phải vượt qua trong cuộc sống,
người dân thết đãi chúng tôi một loại thức uống đặc sản là nước dừa pha sữa, và
món bánh củ mì được gói khéo léo trong những lá dừa. Sau đó, những món quà được
trao cho người dân chủ nhà là sợi dây nhòong diễn tả tình đoàn kết, gắn bó lẫn
nhau. Từ nay hai đã được cột với nhau như một gia đình. Những cái bắt tay, những
cái ôm như còn vương vấn. “Trông mọi người giống như người trong làng của mình,
chỉ khác là mình không thể nói tiếng của nhau mà thôi” đó là chia sẻ cảm nghiệm
của một thành viên trong đoàn Caritas khi đến thăm làng. Khi ra về, một đoàn thật
dài gồm các bà mẹ và các em thiếu nhi tíu tít chạy theo tiễn chúng tôi xuống tận
dưới chân đồi.
Trở về trung tâm đào tạo thực hành METSA,
đoàn được giới thiệu các mô hình tích hợp rất gần gũi với những gì bà con đồng
bào đang sinh sống và dễ bắt chước: vườn, ao chuồng, nuôi heo trên đệm sinh học
không tạo mùi, nước thải ra từ ao nuôi cá hữu cơ chảy xuống cung cấp cho các ruộng
lúa hữu cơ, phân chuồng được ủ để bón cho các vườn rau hữu cơ.
Đối
với người nông dân, Giống là Sự Sống, Giống là Quyền lực và Giống là Bình an. Phương
châm của MASIAG: người dân phải là người làm chủ trong sản xuất nông nghiệp,
làm chủ hạt giống họ gieo trồng. Người nông dân trong tổ chức SICOF mà chúng
tôi ghé thăm ngày hôm sau là một điển hình. Họ tự tổ chức trồng lúa hữu cơ sinh
thái không sử dụng phân thuốc hóa học trên lô đất chung của nhóm. Họ thiết kế các
ruộng thử nghiệm để chọn giống, sau đó lai tạo giống lúa mới phù hợp với điều
kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Người nông dân trở thành những nhà
khoa học, theo dõi đo lường và hiểu từng chi tiết đặc điểm các giống lúa họ trồng.
Khi một giống lúa được lai tạo, họ là người đặt tên cho những đứa con mà chính
họ sinh ra. Các hoạt động này đã truyền lửa cho nông dân Lâm Đồng quyết tâm gieo
trồng chọn lọc các giống lúa mà người nông dân SICOF đã trao tặng.
Với tình trạng thiếu lớp trẻ kế thừa
trong ngành nông nghiệp tại Philippine, trường trung cấp Đào Tạo Nghề Nông
Nghiệp ở Minđanao (CTCSM) đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Trường đã gợi hứng
cho nhiều người trẻ yêu quý nông nghiệp và quay trở về xây dựng thôn làng. Là
trường nội trú dành cho các trẻ dân tộc thiểu số, chương trình nông nghiệp là
môn chính được dạy xuyên suốt trong các năm (lí thuyết đi đôi với thực hành). Từ
lớp 1, các em học sinh đã được học cách làm nông. Ngay cả nhân viên y tế của
trường cũng buộc phải làm vườn ít nhất 30 phút mỗi ngày. Học xong lớp 12,
các em có thêm bằng trung cấp nghề để trở thành giáo viên dạy nông
nghiệp hoặc mở công ty/ doanh nghiệp/ tổ chức nông dân. “Trường không đào
tạo giáo viên nhưng tạo ra người nông dân có khả năng giảng dạy và quản lí tốt
trang trại gia đình”, một cô giáo tại trường đã phát biểu. Trong ngày giao lưu
với trường trong ngày thứ tư trong chuyến đi, các em học sinh lớp 12 đã chỉ lại
cho các cô chú cách làm các chế phẩm vi sinh. Đến độ chú Bông ở Đạ Nhinh phát
biểu: “mình chẳng cần ghi chép gì mà vẫn nhớ như in cách làm. Về nhà mình sẽ thử
ngay và sẽ chỉ cho bà con trong thôn”.
Đêm giao lưu hiệp nhất đầy ấn tượng khép
lại với những cảm xúc lưu luyến trào dâng giữa đoàn Caritas Đà Lạt và chủ nhà
MASIPAG Midanao. Tuy nhiên, một chân trời mới được mở ra nối kết nông dân Việt
Nam và nông dân Masipag trong tiến trình khẳng định chủ quyền lương thực mà vai
trò của người nông dân nhỏ - là người nuôi sống 70% dân số thế giới ngày càng
được nhìn nhận.
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét