Khoá Tập Huấn Kỹ Thuật Truyền Thông
Khoá I: Ngày 28.3.2022
Nắm bắt được nhu cầu và tầm quan trọng của sứ mạng truyền thông trong thế giới hôm nay, Caritas Đà Lạt đã tổ chức Khoá tập huấn truyền thông dành cho các nhân viên. Khoá được khai mạc lúc 8h30 sáng ngày 28.03.2022.
Có sự hiện diện của cha Gioan Bosco - Giám đốc Caritas Đà Lạt, chị Maria Goretti - Phó Giám đốc Caritas Đà Lạt, cha Đaminh - Trưởng ban truyền thông Giáo Phận, cha Giuse - Phó ban, sơ Maria Hoàng Thị Thiên Thu -Caritas Việt Nam, sơ Maria Vũ Thị Thu Hà - Caritas Bà Rịa, cùng với 40 học viên. Thầy giảng viên là Stephano Trần Thiên Kính SJ.
Bầu khí được hâm nóng bằng cử điệu bài hát “Trong Yêu Thương Chúng Ta Là Tấm Bánh”, sôi động và vui tươi, tạo cho các tham dự viên sự thân thiện ban đầu.
Cha GĐ. Caritas Đà Lạt khai mạc với những lời nhấn mạnh về vai trò và tầm quan trọng của truyền thông ngày nay. Cha dâng lời cầu nguyện đầu giờ và tuyên bố khai mạc 3 ngày tập huấn truyền thông.
Mở đầu bằng lời giới thiệu bản thân của các tham dự viên, thầy giảng viên hiểu thêm những nền tảng ban đầu về kỹ năng truyền thông của các học viên. Quan tâm chính yếu của các tham dự viên là biết cách truyền thông.
Cầu hỏi đầu tiên được đặt ra cho học viên: “Truyền thông là gì?” Một học viên đã có ý kiến: truyền thông là truyền cảm hứng. Thầy giảng viên cho biết thêm, Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,… dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 18,19-20). Đây chính là ý nghĩa sâu xa của truyền thông. Như vậy, truyền thông chính là thi hành lệnh truyền của Chúa Giêsu và bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi muốn thông truyền sự sống cho con người, để cho con người có được sự sống đời đời. Truyền thông phải làm trung gian để cho mọi người biết và theo Chúa.
Vậy, Truyền thông Công Giáo khác gì so với truyền thông bên ngoài? Với câu hỏi này, các tham dự viên thảo luận và có nhiều ý kiến khác nhau. Có một đúc kết đưa ra: Truyền thông Công Giáo là loan báo các giá trị Tin mừng: giá trị tình yêu, sự sống, sự thật, liên đới, tôn trọng phẩm giá, … Mục đích cuối cùng của truyền thông là: giúp cho mọi người được ơn cứu độ. Ơn cứu độ này không chỉ xảy ra ngay sau khi chết, nhưng còn là ơn cứu độ hiện sinh diễn ra trong đời sống thường hằng. Khi ai đó đang thất vọng mà tìm lại được hi vọng, khi đang đau buồn mà tìm thấy hạnh phúc, khi đang lầm lỗi mà được hoán cải,… Vì thế, truyền thông giúp cho con người gặp được hi vọng, hạnh phúc, được hoán cải, được yêu thương,…
Cuối cùng, đâu là tiêu chuẩn để tôi truyền thông (đó có thể là bài hát, đoạn phim, bức hình…)? Trước câu hỏi này, các tham dự viên cũng có nhiều ý kiến hay: sản phẩm truyền thông phải đẹp, phải hay, đánh động hoặc gợi hứng cho bản thân trước, có ấn tượng và có một giá trị hay ý nghĩa nào đó. Thầy giảng viên kể về 3 tiêu chuẩn của triết gia Socrates: sự thật, tốt và giúp ích. Dưới cái nhìn của đức tin Công Giáo, thầy giảng viên quy gom tiêu chuẩn đó là: Chân – Thiện – Mĩ. Trong 3 tiêu chuẩn này thì tiêu chuẩn “sự thật” là khó nhất trong truyền thông. Đôi khi người truyền thông phải lấy danh dự và thậm chí đánh đổi mạng sống mình để bảo đảm cho sự đáng tin của công việc mình.
Ngày khai mạc của chương trình tập huấn truyền thông đưa học viên đi sâu vào ý nghĩa và linh đạo của Truyền thông trong Giáo Hội. Tuy thuần về lý thuyết nhưng mọi người cảm thấy thú vị vì những điều mới mẽ và sâu sắc. Tạ ơn Chúa vì những cơ hội Chúa đã gởi đến cho Caritas Đà Lạt cũng như Giáo Phận của chúng con.
Minh Cao
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét