Khoá Tập Huấn: Kỹ Năng Biện Hộ
Biện hộ là gì? Biện hộ cho ai? Với mục đích gì? Và lợi ích đem lại có mang tính bền vững hay không?
Theo Từ điển Tiếng Việt (nguồn: Wiktionary), biện hộ là bênh vực là bào chữa cho cái đang bị lên án.
Nhìn theo hướng tích cực: Biện hộ là để bảo vệ quyền lợi một cách chính đáng hợp lý trước một sự việc haymột vấn đề nào đó cho một cá nhân hoặc tập thể. Mục đích là để có được hoặc đạt được cái mục đích có ích cho cuộc sống của cá nhân hay tập thể đó. Qua quá trình và kết quả đạt được sẽ là tiền đề vững chắc và đem đến sức ảnh hưởng tốt cho những kế hoạch và chiến dịch biện hộ có lợi trong tương lai. Xa hơn là góp phần xây dựng một xã hội công bằng.
Nhìn theo hướng ngược lại: Biện hộ cho những hành động sai trái, bao che những kế hoạch và hành động gây hại đến cộng đồng, dĩ nhiên sẽ không mang lại bất cứ điều gì bền vững cho cá nhân, cho tập thể, cho cộng đồng và xã hội.
Như vậy, chúng ta có cần đến biện hộ không? Làm thế nào chúng ta biết “biện hộ”?
Đây là một kỹ năng cần được hướng dẫn, học tập, thực hành và trải nghiệm để các cá nhân hoặc tập thể có thể tự bảo vệ chính mình, bằng cách lên kế hoạch biện hộ và thực hiện kế hoạch đúng cách nhất, đem lại kết quả tốt cho cộng đồng.
Nhìn thấy được tầm quan trọng của biện hộ cho cộng đồng người khuyết tật, những con người thiếu thốn nhiều điều trong cuộc sống, để có thể hòa nhập một cách trọn vẹn với cộng đồng, văn phòng Caritas Đà Lạt kết hợp cùng với Seur Diễm Hương đã tổ chức Khoá tập huấn về “Kỹ Năng Biện Hộ cho Người Khuyết Tật” vào ngày 11/4 vừa qua tại hội trường Trung Tâm Mục Vụ Đà Lạt. Khoá gồm 60 tham dự viên, chủ yếu là người khuyết tật, đến từ 8 Hội khác nhau ở Lâm Đồng.
Với hy vọng giúp nâng cao kiến thức và rèn luyện kỹ năng về Biện Hộ, Seur Diễm Hương đã chuẩn bị một nội dung rất chi tiết và dễ hiểu, để giúp đỡ Hội người Khuyết Tật vững chắc kiến thức và dẽo dai kỹ năng,để bảo vệ chính mình và cho tập thể và cộng đồng của mình.
Lý thuyết song song với thực hành giúp các tham dự viên rất hào hứng tham gia. 60 tham dự viên, chia ra tám nhóm để làm việc hội ý theo nhóm. “Tạo nhóm” cũng là một phần của kỹ năng biện hộ, vì khi biện hộ người ta cần sức mạnh của tập thể.
Xin đọc thêm tài liệu ở đây:
http://www.caritasdalat.org/2022/04/bien-ho-trong-cong-tac-xa-hoi.html
“Nghiên cứu chính sách, vận động hành lang, tổ chức các cuộc họp v.v…” là một số phương pháp sử dụng trong biện hộ. Các nhóm đã tập trung lắng nghe theo dõi từng lời từng câu chia sẻ của người hướng dẫn. Vì vậy khi được hỏi đến đâu thì từng nhóm đã trả lời rất nhanh và chính xác đến đó. Hơn thế nữa, tất cả các nhóm đều hoàn thành các bài tập được giao tại chổ rất tốt.
Những lời khen ngợi, chúc mừng từ giảng viên và từ các tham dự viên đã tạo sự khích lệ cho mọi người.Các câu hỏi cũng như những bài tập trong buổi tập huấn chắn chắn đọng lại trong lòng mỗi tham dự viên như một món quà tinh thần trong cuộc sống, mà các anh chị em khuyết tật đã nhận được ngoài kiến thức bổ ích trong buổi tập huấn này.
Hy vọng, qua buổi tập huấn này, các anh chị em khuyết tật của chúng ta có thêm nhiều động lực hơn trong cuộc sống của mình.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét