
Lễ hội tôn vinh lúa gạo “Rice Merit” tại Huey Tong, Chiang Mai
Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018
Hòa
mình cùng đoàn rước kiệu từ tượng Chúa giang tay đến nhà thờ Huey Tong, chúng
tôi, đoàn nông dân từ Caritas Đà Lạt - Việt Nam được chìm trong bầu không khí sẻ
chia của ngày lễ hội tôn vinh lúa gạo của giáo xứ Huey Tong, giáo phận Chiang
mai, Thái Lan.
Hình ảnh hạt gạo gắn liền với
cuộc sống và ăn sâu vào nền văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số Karen.
Trong vòng đời của mình, hạt lúa chết đi ba lần: lần thứ nhất, khi được gieo
vào lòng đất, hạt lúa chết đi để sinh ra mầm sống mới. Lần thứ hai, khi người nông
dân gặt lúa, cây lúa chết đi để lại rơm rạ nuôi sống gia súc. Và lần thứ ba,
khi nấu cơm, hạt lúa một lần nữa chết đi để trở nên lương thực nuôi sống con
người. Khi vị truyền giáo người Italia đầu tiên đến cắm Thánh giá trên vùng đất
của giáo phận Chiang Mai, người ta đã thấy có một sự nối kết sâu sắc giữa hạt
lúa của người Karen và Thập giá Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chết cho nhân loại được
sống. Hạt lúa cũng chết đi để nuôi sống muôn loài. Kitô giáo đến không phá hủy
nền văn hóa nhưng kiện toàn nền văn hóa bản địa. Điều này đã được công đồng Vat
II đề cao và được ĐGH nhắc đến trong thông điệp Laudato Si: chúng ta cần trân
trọng các giá trị và sự phong phú của các nền văn hóa bản địa. Chúng ta không
những phải lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, chúng ta còn phải nghe tiếng
kêu gào của thiên nhiên.
Vòng tròn ở trên: Biểu tượng của mạng lưới Rice MeritVòng tròn bên trái: NGƯỜI SỐNG - Khi con người biết chia sẻ
với nhau thì mang lại sự sốngVòng tròn bên phải: NGƯỜI CHẾT -khi con người cạnh
tranh nhau sẽ dẫn đến cái chết
Thần
học về lúa gạo đã được cha Niphot, giám đốc Caritas đầu tiên tại giáo phận
Chiang mai, phát triển thành chương trình ngân hàng lúa tại các hộ gia đình và
các cộng đồng người dân tộc miền núi Karen vào những năm 1978. Đến năm 1989, lễ
hội tôn vinh lúa gạo Rice Merit đầu tiên được tổ chức trong nội bộ các cộng đồng.
Mười năm sau, Caritas giáo phận Chiang Mai đã nối kết các chương trình tại các
cộng đồng thành một mạng lưới chung cho cả giáo phận. Trong ngày lễ tôn vinh
lúa gạo, lúa đóng góp từ các gia đình được tập kết lại để giúp cho thôn làng
không còn người đói. Ngoài việc giúp đỡ cho các bà góa, những trẻ mồ côi, người
khuyết tật trong thôn, mạng lưới tôn vinh lúa gạo còn đóng góp về cho giáo phận
để thực hiện công cuộc truyền giáo, hỗ trợ việc dạy giáo lý…. Khi cử hành lễ
tôn vinh lúa gạo là lúc người Kitô hữu thực hiện lời Chúa Giêsu dạy: chia cơm sẻ
áo cho người góa bụa, trẻ mồ côi và người khuyết tật một cách sống động.
Cây lúa mọc trong đá: Biểu tượng của sự sẻ chia cơm bánh của cộng đồng cho các bà góa, trẻ mồ côi và người khuyết tật
Rời
giáo xứ Huey Tong sau buổi cơm trưa miễn phí phục vụ tất cả mọi người, chúng
tôi cảm nghiệm một sức sống chia sẻ và một sự an bình từ triết lý sống động của
người dân Karen được các già làng gìn giữ và truyền lại qua bao đời. Sức sống
này được thể hiện và tiếp nối qua các chương trình phát triển của thôn làng với
tầm nhìn 20 năm. Nơi mà sau 30 năm Caritas giáo phận hiện diện cùng với người
dân, nay đã trở thành trường học của sự
khôn ngoan châu Á mà nhiều người muốn tìm đến học hỏi và nghiên cứu. Nhiều
Giáo Hội khác cũng mong ước được đến đây học hỏi phương cách mục vụ cho người đồng
bào dân tộc thiểu số có nền văn hóa gắn liền với núi rừng và thiên nhiên. Ước
mong những nông dân Đà Lạt hôm nay khi quay trở về cũng được nuôi dưỡng, thấm
nhuần và thực hành tinh thần Phúc Âm của Chúa Giêsu tại thôn làng của mình:
“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người chết vì bạn hữu mình.”
Hồng Phúc
Một số hình ảnh lễ hội
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét