Đôi dòng lịch sử Caritas Đà Lạt
Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018
Xây dựng tổ chức
Cùng hòa nhịp với Caritas Việt nam được
nhà nước cho phép tái thành lập ngày 2/7/2008, Caritas giáo phận Đà Lạt thuộc ủy
ban Bác ái Xã hội trực thuộc Tòa Giám Mục Đà Lạt cũng bắt đầu có một số hoạt động
từ năm 2008. Cha Phaolô Dương Công Hồ được Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, chủ
tịch UBBAXH- Caritas Việt Nam bổ nhiệm là giám đốc tiên khởi của Caritas Đà Lạt
sau giai đoạn tái thành lập.
Đầu năm 2009, Caritas trung ương quyết
định thiết lập mạng lưới hoạt động của Caritas Việt nam tại 26 Giáo phận.
Caritas Đà Lạt nhân cơ hội đó được hỗ trợ tài chính để trả lương cho 2 nhân
viên trong 2 năm đầu và đầu tư một số trang thiết bị trong văn phòng. Ngày
20/10/2009 Caritas Đà Lạt chính thức được nhà nước chấp thuận đăng ký hoạt động.
Ngày 2/12/2013, Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu
ký quyết định bổ nhiệm cha Gioan Bosco Hoàng Văn Chính, chưởng ấn TGM làm giám
đốc thay thế cha Phaolô Dương Công Hồ lúc đó đang làm quản xứ giáo xứ Đạ Tẻh
cách văn phòng Caritas Đà Lạt 175 km không tiện trong việc đi lại và liên lạc với
văn phòng. Cha Gioan Bosco Hoàng Văn Chính hiện là cha giám đốc đương nhiệm của
Caritas Đà Lạt.
Mạng lưới Caritas giáo xứ
Ngày họp mặt đầu tiên để thành lập ban
BAXH- Caritas Đà lạt được tổ chức vào ngày 22-23/4/2010. Thành phần tham dự gồm
có Đức Cha Phêrô, cha Anton Nguyễn Ngọc Sơn - giám đốc Caritas Việt Nam, cha
Phaolô Dương Công Hồ- Giám đốc Caritas Đà Lạt, cùng các cha, các nữ tu và giáo
dân đại diện các giáo hạt. Trong ngày gặp mặt đầu tiên, một kế hoạch sơ khởi được
xây dựng dựa trên phân tích tình hình xã hội của từng giáo hạt.
Caritas các giáo xứ dần được hình thành
với nhiều hình thức đa dạng tùy thuộc vào bối cảnh của mỗi nơi. Có giáo xứ hình
thành một đội ngũ Caritas chuyên biệt, có giáo xứ thì Caritas giữ vai trò điều
phối triển khai các chương trình của giáo phận và tổng hợp báo cáo các hoạt động
bác ái trong giáo xứ. Tuy nhiên, theo quy chế giáo xứ của giáo phận Đà Lạt ban
hành năm 2012, mỗi giáo xứ đều có “Ban bác ái xã hội: lo việc từ thiện bác ái,
công bình xã hội” (số 32); và một vị Phó chủ tịch ngoại vụ là người “phối hợp
các sinh hoạt thuộc lãnh vực bác ái xã hội” trong giáo xứ (số 45).
Nhờ các khóa đào tạo do Caritas Việt
Nam tổ chức, Giám đốc và nhân viên Caritas Đà Lạt được nâng cao năng lực về các
kỹ năng mềm. Hệ thống quản trị và tổ chức nhân sự trong văn phòng từng bước cũng
được xây dựng. Bên cạnh đó, một số chương trình đào tạo cho Caritas giáo xứ được
triển khai xoay quanh các nội dung về lập kế hoạch, công tác xã hội, phát triển
cộng đồng, kỹ năng sống. Các buổi tập huấn này cũng là cơ hội giúp nối kết,
nâng cao năng lực và truyền cảm hứng để Caritas các giáo xứ hoạt động chuyên
nghiệp hơn cũng như có thêm ý tưởng trong việc xây dựng tổ chức.
Kèm theo các nội dung tập huấn chính, việc
thành lập mạng lưới Caritas giáo xứ, quyết định về thẻ hội viên và linh đạo
Caritas cũng được triển khai học hỏi trong các đợt tập huấn. Đầu năm 2014, những
thẻ hội viên đầu tiên được cấp cho các thành viên giáo xứ Kitô của giáo hạt Bảo
Lộc. Sau đó, các giáo xứ khác lần lượt đề nghị cấp thẻ. Tính tới tháng 8 năm
2018, có 10 giáo xứ với 680 thành viên gia nhập Caritas Việt Nam trong tổng số
3,800 thành viên Caritas giáo xứ trong toàn giáo phận đang hoạt động.
Buổi gặp gỡ 5 năm tái lập Caritas Đà Lạt
năm 2013 là buổi gặp gỡ mang tính chất giao lưu đầu tiên tập trung đại diện tất
cả các Caritas giáo xứ trong giáo phận. Sau đó mỗi một hoặc hai năm, Caritas toàn
giáo phận lại có dịp tập trung lại để chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích nhau làm
bác ái. Hội đồng quản trị của ban BAXH-Caritas giáo phận bao gồm cha Giám Đốc,
các cha đại diện Caritas giáo hạt chính thức ra mắt vào ngày 20/9/2013. Tuy
nhiên, mãi đến lần họp mặt năm 2015 thì ban đại diện Caritas giáo hạt mới được
bầu chọn một cách dân chủ và bắt đầu hoạt động.
Bảo Lộc là giáo hạt đi tiên phong trong
việc xây dựng cơ cấu và có chương trình hoạt động chung. Chương trình được khởi
xướng từ Cha Laurenso Trần Ngọc Toàn vào năm 2015. Các hoạt động tập trung vào
khám chữa bệnh, đồng hành giúp các giáo xứ thành lập Caritas. Sau khi cha
Laurenso được thuyên chuyển thì cha Giuse Trần Đức Thành kế nhiệm vào cuối năm
2017 với đường hướng chung của giáo phận về chăm lo cho anh chị em dân tộc thiểu
số.
Các giáo hạt khác, vì số lượng giáo dân
không nhiều, các giáo xứ nằm rải rác nên việc quy tụ làm việc chung không dễ
dàng. Tuy nhiên, Caritas giáo hạt Di linh đã tổ chức được 1 buổi tĩnh huấn cho
những người làm công tác bác ái trong giáo hạt. Các cha đại diện các giáo hạt
khác cũng đang ưu tư để tổ chức họp mặt kèm theo tập huấn cấp giáo hạt để có thể
quy tụ và nối kết các giáo xứ.
Các chương trình, dự án
Bên cạnh các hoạt động xây dựng mạng lưới
Caritas giáo xứ, Caritas Đà Lạt còn có các chương trình dự án như sau:
Chương trình bảo vệ sự sống giúp nâng
cao năng lực cho thanh thiếu niên, giới trẻ về kỹ năng sống và giá trị sống.
Phương pháp rụng trứng Billings cũng được Caritas Đà Lạt cổ vũ bằng các buổi tập
huấn cho thành viên Caritas, các giáo lý viên giáo lý hôn nhân và giáo dân. Văn
phòng tư vấn Billings, hôn nhân và gia đình được mở ra tại nhà thờ Chính Tòa. Một
chương trình phối hợp giữa Ban Mục vụ Gia đình, Ban Giáo lý Đức tin và Ban Bác
ái Xã hội Giáo phận trong ngày hội “đồng hành cùng các gia đình trẻ” sẽ được tổ
chức vào ngày 10/9 tới đây.
Trong chương trình hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập
cộng đồng, các hội người khuyết tật được đồng hành để nâng cao năng lực
về quản lý tổ chức, viết dự án và một số kiến thức về chăm sóc sức khỏe và các
bệnh thường gặp. Các chương trình từ thiện như mổ mắt, mổ tim hoặc phát xe lăn,
xe lắc, ráp chân tay giả cũng được kết nối và thông báo đến các giáo xứ và các
hội khi có thông tin. Caritas các giáo xứ được tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu và
chăm sóc bệnh nhân tại nhà. Ngày hội yêu thương là sân chơi gặp gỡ giữa các hội/
nhóm/ cơ sở NKT trong tỉnh Lâm Đồng đã được tổ chức 2 lần vào năm 2016 và 2018.
Chương trình Vinh Tuyết hỗ trợ gạo hàng tháng cho 600 người khuyết tật, già neo
đơn đang được triển khai trong giáo phận.
Chương trình hỗ trợ trại tâm thần Trọng Đức về
mảng y tế và xã hội bắt đầu từ tháng 8/2016. Các nhân viên thường trực đã phục
vụ bệnh nhân bằng các phương pháp trị liệu như nghe nhạc, đọc sách, chơi cờ,
làm việc, giúp các bệnh nhân xây dựng kỷ luật sắp hàng khi ăn uống…, các buổi
sinh hoạt vào dịp Tết, Noel, Phục Sinh, Trung thu, các buổi giao lưu dã ngoại.
Một phòng y tế có y sĩ thường trực được đưa vào vận hành.
Bốn chương trình của giáo phận về tủ
thuốc, khuyến học, nhà cho người nghèo, người già neo đơn đã hoạt động
nhiều năm trước nay được chuyển cho Caritas điều phối. Caritas cũng hợp tác với
một số nhóm bác sĩ tổ chức các đợt khám chữa bệnh từ thiện trong các vùng
nghèo.
Phát triển cho người đồng bào thiểu số
Chương trình tiết kiệm - vi tín dụng
do tổ chức bác sĩ Đức tài trợ bắt đầu từ năm 2008. Dự án giúp thành lập các
nhóm tiết kiệm, quy tụ những chị em đồng bào dân tộc thiểu số trong các buôn
làng. Các chị em để dành mỗi ngày 1.000 đồng (tương đương 30.000 đ/tháng) để
đóng tiết kiệm. Sau đó, các thành viên đồng ý tăng lên 50.000, rồi 100.000 có
khi 200.000 đ/tháng tùy theo thu nhập. Những người tham gia chương trình cũng
được vay vốn hỗ trợ để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Hàng năm họ trả vay gốc
và lãi. Tính đến cuối năm 2017, với tổng số 721 người tham gia, thì số tiền tiết
kiệm của người dân lên đến 2.450.000.000 đồng. Con số này chưa kể đến 3 cụm điểm
với khoảng 300 người đã rút khỏi chương trình để tự quản lý số tiền tiết kiệm
1.100.000.000 đồng của họ.
Chương trình nông nghiệp bền vững
Cha nguyên giám đốc Phaolô đã ưu tư nhiều
trong việc phát triển nông nghiệp cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, những
người chủ yếu sống bằng nghề nông. Cha cùng nhân viên văn phòng đã lặn lội nhiều
nơi để học hỏi về nông nghiệp bền vững tại các hội nghị nông dân do Caritas
châu Á tổ chức tại Campuchia, Philippine, Thái Lan. Sau đó, dự án nông nghiệp bền
vững tại Đạ Nha được tài trợ bởi Phái đoàn liên minh Châu Âu và đi vào hoạt động
vào đầu năm 2013. Tổ chức VFE tại Pháp có công lớn trong việc hỗ trợ nhân sự và
tài chính trong dự án này. Tuy chưa thành công do nhiều lý do khác nhau, nhưng những
kinh nghiệm có được từ thực tế là bài học quý giá để giúp Caritas tiếp tục tìm
hướng đi lâu dài sau này.
Chương trình phát triển tự dân
Được khởi hứng khái niệm tự dân (People Led) từ một tạp chí của
Misereor, Caritas Đà Lạt đã đi tìm hiểu ý nghĩa và cách thức các nơi đã thực hiện.
Đây là một chương trình trong đó người
dân là trung tâm và là tác nhân tạo
ra sự thay đổi. Chuyến tham quan Caritas Chiang Mai năm 2012 là khởi điểm để
Caritas Đà Lạt tiếp cận khái niệm mới này với triết lý tôn giáo trong văn hóa
và văn hóa trong tôn giáo - thần học về hạt
gạo. Sau đó, tiếp tục lần theo những mắc xích của mạng lưới, nhân viên
Caritas Đà Lạt tiếp cận với chuyên gia Misereor trong chuyến đi thực địa cùng một
số người dân thôn Cilmup – Đạ Tông đến Ấn Độ năm 2013. Khi trực tiếp thực hiện
chương trình từ giữa năm 2014, Caritas Đà Lạt mới thực sự bước vào một chuyến
phiêu lưu khám phá và mày mò vẽ ra đường đi.
Những chuyến giao lưu học hỏi của người dân từ thôn này sang thôn khác, từ xã
này sang xã khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác có khi ra nước ngoài là bước khởi
đầu tạo cảm hứng và ý tưởng thay đổi cho người dân.
Thời gian nhân viên cộng đồng đồng hành, đi thăm viếng, hỏi han, chia
sẻ cùng người dân, đi làm tại đồng ruộng với họ là những giai đoạn hết sức cần
thiết và hữu ích để tạo ra sự thân thiện, hiểu nhau và tạo niềm tin giữa nhân
viên và cộng đồng. Đây cũng là thời gian giúp cho cán sự xã hội thanh luyện lại
mình, xóa đi những định kiến đã học nơi trường lớp để đón nhận những kinh nghiệm
và kiến thức của người nông dân, chuyển đổi từ vai trò từ một ‘chuyên gia’ giúp
người dân giải quyết vấn đề sang vai trò của một ‘thúc đẩy viên’ khơi gợi để cộng
đồng cùng tìm ra giải pháp cho họ.
Sau hơn ba năm thực hiện dự án tại 16 cộng
đồng, 7 cộng đồng đã tự làm được những tiểu dự án trong thôn làng như làm đường,
xây cầu, các hệ thống dẫn nước sinh hoạt về làng. Khoảng 100 nông dân đã ngưng
dùng thuốc diệt cỏ và trồng cà phê che phủ đất. Một nhóm 14 nông dân đang trồng
rau hữu cơ tại Tutra không sử dụng bất kỳ loại phân hay thuốc hóa học nào. 50
nông dân đang đầu tư để làm đa dạng sinh kế cho gia đình bằng cách tham gia các
nhóm chăn nuôi, trồng xen canh và làm những vườn rau gia đình. Nhiều người dân
trong các cộng đồng tận dụng nguồn vật liệu tại chỗ để ủ phân vi sinh compost. 25
hộ trồng khoảng 1000 cây rừng ven suối, dọc đường đi và trồng xen trong rẫy
canh tác. Ba nhóm cồng chiêng được hình thành để duy trì và truyền lại những nhạc
cụ và điệu vũ truyền thống cho thế hệ trẻ. Một lớp xóa mù cho các bà mẹ được mở
ra. Một nhóm giới trẻ được đào tạo và sinh hoạt thường xuyên. Một số bạn trẻ được
gởi đi học nông nghiệp sinh thái và năng sinh học để thôn làng có một lớp kế thừa
yêu quý nông nghiệp và góp phần giữ gìn truyền thống của dân tộc, thu hút người
trẻ ở lại và tạo ra sự phát triển trong thôn làng. Nhiều nhóm tiết kiệm đang
thành lập. Những buổi tập huấn về phục hồi đất, tọa đàm về chủ quyền lương thực,
quyền của người đồng bào dân tộc thiểu số, chia sẻ về luật lâm nghiệp mới giúp
người dân hiểu hơn về luật pháp và tự tin hơn trong cách thức đòi lại quyền cho
chính họ và cộng đồng. Những mạng lưới nối kết với các ban ngành, đối tác, tổ
chức trong và ngoài nước là những vốn xã hội và nguồn lực giúp Caritas Đà Lạt
trau dồi thêm kiến thức và học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi để xác định rõ hơn hướng
đi cùng người dân.
Nhiều sáng kiến, ý tưởng khác đang tiếp
tục được nuôi dưỡng, khởi hứng và bàn thảo trong các thôn làng để tạo ra một
trào lưu thay đổi theo hướng lương tâm sạch,
sản xuất sạch, sống sạch và môi trường sạch.
Hướng đến tương lai…
Chiến lược 5 năm (2016-2020) của
Caritas Đà Lạt tiếp tục hướng đến:
-
Kiện toàn mạng lưới Caritas giáo xứ và giáo
hạt. Trong đó, (+) các hội viên hiểu và sống linh đạo Caritas trong đời sống; (+)
kỹ năng tổ chức của Caritas giáo xứ được nâng cao; (+) ý thức bảo vệ môi trường
của người giáo dân trong giáo phận được nâng cao.
-
Các nhân viên trẻ trong văn phòng Caritas
được nâng cao kỹ năng chuyên môn
-
Đối với các đối tượng Caritas đang phục vụ, (+) các hội
NKT trong tỉnh được đồng hành để nâng cao kỹ năng xây dựng phát triển tổ
chức. (+) Các hộ người dân tộc thiểu số trong dự án phát triển tự dân của
Caritas Đà Lạt chủ động về kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp bền
vững. Trong đó, tập trung hướng đến xây dựng và củng cố các tổ chức cộng đồng,
tổ chức nông dân, hướng về nông nghiệp hữu cơ, sinh thái và đa dạng, các hoạt động
chế biến, marketing, xây dựng hệ thống đảm bảo có sự tham gia PGS, gìn giữ truyền
thống văn hóa dân tộc, sưu tập và chọn lọc các giống bản địa, xây dựng lớp trẻ
kế thừa.
Những
khó khăn vẫn còn đó trước mắt nhưng người dân đã dần hình thành mơ ước và hoài
bão thay đổi. Cùng một niềm tin có Chúa đồng hành, Caritas Đà Lạt sẽ tiếp tục
cùng hội cùng thuyền với người dân để cùng tiến bước, từ vị trí “họ đang ở đâu”
để cùng phát triển trong sự tổng thể và toàn diện xứng với nhân phẩm như họ là.
Đà
Lạt ngày 22/8/2018 nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Caritas Đà Lạt
Bài: Chị Maria Goretti Đinh Thị Hồng Phúc
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét