Biện Hộ Trong Công Tác Xã Hội
BIỆN HỘ TRONG CÔNG TÁC XÃ HỘI
Biện hộ trong công tác xã hội là cách tiếp cận dựa trên quyền con người (Human rights based approach). Cách tiếp cận dựa trên quyền để biện hộ có một số đặc điểm sau:
- vén mở những tình trạng bị gạt ra bên lề xã hội
- Nhắm đến trách nhiệm của những người có nhiệm vụ hoặc nghĩa vụ đối với các đối tượng thiệt thòi
- tập trung mang lại một sự phân phối quyền lực công bằng hơn trong xã hội để nhờ đó cải thiện vị thế của đối tượng yếu thế, giải quyết các nguyên nhân cơ bản và gốc rễ của những vi phạm quyền ở các cấp
- Thúc đẩy sự tham gia vì tin rằng tất cả mọi người, kể cả trẻ em được quyền lên tiếng trước những quyết định ảnh hưởng đến mình. Biện hộ dựa trên quyền công nhận thân chủ đóng vai trò chính yếu và chủ động trong tiến trình phát triển bản thân.
- Đòi hỏi xây dựng năng lực cộng đồng/ thân chủ để họ hiểu và đấu tranh cho quyền lợi của mình
I. KHÁI NIỆM BIỆN HỘ
- Theo nghĩa đơn giản, biện hộ là nói, hành động nhân danh bản thân hay người khác.
- biện hộ còn được xem là một quá trình hành động tích cực có suy tính để giúp đỡ những người khác đảm bảo quyền lợi của mình, đại diện cho lợi ích của họ tìm kiếm những dịch vụ họ cần và bày tỏ quan điểm và ước vọng của họ
- Theo UNICEF (2010), biện hộ là quá trình có chủ ý, dựa trên bằng chứng được chứng minh, tác động trực tiếp và gián tiếp những người ra quyết định, các bên và các đối tượng có liên quan nhằm hỗ trợ và thực hiện các hành động góp phần đảm bảo quyền lợi của những người yếu thế
- Ở cấp độ quốc gia, biện hộ là phương thức tác động đến chính quyền, ảnh hưởng đến những nhà lập chính sách, những cơ quan ra quyết định quốc tế thông qua những kênh khác nhau như hội nghị, hội nghị thượng đỉnh, đại hội, những cuộc gặp gỡ mang tính quốc gia hoặc quốc tế, các sự liện chính trị…
II. CÁC DẠNG BIỆN HỘ
- Biện hộ chính sách: tác động đến các chính trị gia, các lãnh đạo cao cấp về một vấn nạn quốc gia và đưa ra một số đề xuất thay đổi luật và chính sách. Cách tiếp cận này dựa trên quyền con người (Human rights based approach) cho rằng hoàn cảnh cùng cực của những người yếu thế là do bởi họ chưa được hưởng đầy đủ những quyền lợi đáng có và quan trọng nhất là cách thức hành động, hoặc thờ ơ của giới cầm quyền đã tạo ra tình trạng đó. Vì thế, người biện hộ tìm cách thay đổi hành động của lãnh đạo cấp cao để đem lại lợi ích cho những người yếu thế
Vd: đề xuất trợ cấp xã hội cho người từ 75 tuổi trở lên thay vì 80 tuổi như hiện nay
- Biện hộ chương trình: nhắm đến các lãnh đạo địa phương để đưa ra các chương trình hành động hoặc điều chỉnh các dịch vụ của các tổ chức của nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người dân
Vd: đề nghị công ty điện lực bán điện giá rẻ cho lao động nghèo nhập cư, chính quyền địa phương hỗ trợ mỗi hộ nông dân bị dịch cúm gia cầm 10 triệu Tự vận động / biện hộ: cá nhân hay nhóm lên tiếng hoặc hành động cho nhu cầu của mình. Nhân viên xã hội xây dựng năng lực và sự tự tin cho thân chủ để họ không còn cần sự hỗ trợ bên ngoài mà tự giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc đời mình. Nhân viên xã hội có vai trò năng động giúp đỡ họ phát triển kỹ năng thu nhận thông tin, nắm bắt các chính sách và tiếp cận tài nguyên để đảm bảo họ được lắng nghe và được đón nhận
Vd: viết đơn kiến nghị vì hộ nghèo nhưng không được hưởng hỗ trợ mùa dịch
- Biện hộ đồng cảnh: là khi một người đã trải qua những kinh nghiệm và cảnh ngộ giống như người được vận động đang đứng ra biện hộ. Chính sự tương đồng này làm cho đôi bên hiểu và cảm thông nhau.
Vd: một người từng bị kỳ thị vì tình trạng khuyết tật khi đăng ký tuyển dụng có thể trở thành người vận động / biện hộ đồng cảnh thích hợp cho một người khuyết tật khác cũng gặp hoàn cảnh như mình
- Biện hộ tập thể: diễn ra khi một nhóm người cùng nhau tham gia chiến dịch vận động / biện hộ thay đổi ở cấp độ vĩ mô, tác động đến việc lập ra các chính sách, các khoản luật dựa trên các tiêu chuẩn nhân quyền như yêu cầu các phương tiện di chuyển, cơ sở hạ tầng dễ tiếp cận hơn… Loại “vận động có mục tiêu chính đáng” này tìm cách thúc đẩy những đổi thay có ích cho toàn xã hội. Phần lớn các thành viên tham gia là những người có cùng một ý hướng mong muốn giải quyết cùng một vấn đề
Vd: Các hộ nuôi tôm bị thất đề nghị ngân hàng chính sách giảm lãi suất, người dân đi khai hoang lâu năm đề nghị nhà nuớc công nhận chủ quyền đất và cấp sổ hồng,
- Biện hộ không lương bán chuyên: người biện hộ có năng lực, được đào tạo cơ bản lên tiếng nhân danh thân chủ. Họ không phải người thân của thân chủ mà chỉ là một thành viên của cộng đồng nhưng sẵn sàng và dấn thân cho quyền lợi của thân chủ với tư cách là người đồng hành và hỗ trợ.
Vd: Hỗ trợ thủ tục cho người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội, đưa một hộ người già neo đơn vào chương trình hưởng gạo của giáo xứ
- Biện hộ pháp lý chuyên nghiệp có trả lương: xảy ra khi một người cần sự vận động và biện hộ của một người chuyên nghiệp có ăn lương trong một gian ngắn giúp mình đối phó với một vấn đề xác định, hay giúp mình thay đổi đời sống. Đặc điểm của vận động pháp lý: Thường dựa trên một mối quan hệ hợp đồng hoặc tài chính, bản chất của vấn đề biện hộ ngoài phạm vi hiểu biết của thân chủ, luật lệ, quy tắc phức tạp có liên quan đến pháp luật và tòa án
Vd: biện hộ cho một trẻ bị xâm hại tình dục tại tòa hoặc một người khuyết tật tranh chấp tài sản
III. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP/ HOẠT ĐỘNG SỬ DỤNG TRONG BIỆN HỘ
Một số hoạt động/ phương pháp liên quan đến công tác vận động/ biện hộ?
- Nghiên cứu chính sách
- Vận động hành lang
- Tham quan
- Trình diễn
- Thiết lập website
- Tổ chức các cuộc họp
- Bản tin
- poster
- Kiến nghị
- Đàm phán
- Họp báo
- Biểu tình
- Đình công
- Tổ chức các cuộc thi đấu
- Điều tra
- Truyền thông bằng hình ảnh
- Hội nghị bàn tròn
- Hội thảo
- Tập huấn
- Kịch trên TV/radio hoặc video clip
- Gửi thư
- Phỏng vấn
- Diễn đàn
- Thông cáo báo chí
- Truyền thông đại chúng
- Sự kiện
- ……
IV. NGUYÊN TẮC ĐẠO ĐỨC TRONG BIỆN HỘ
- Nguyên tắc 1 - Hành động vì lợi ích tốt nhất của thân chủ: cần xác định ai là người mà ta đang đấu tranh cho, mục đích cuối cùng của những hành động đó là gì, làm thế nào để hướng thân chủ thoát khỏi một mục tiêu tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của thân chủ một cách không sợ hãi, ngay cả khi đối mặt với sự thù địch.Điều này cũng có nghĩa là có thể nói ra những điều khó nói và những điều thân chủ không nhìn thấy hết được
- Nguyên tắc 2 - Thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời cho thân chủ: Cho thân chủ nhận thức được những gì đang được nói và làm thay cho họ, Cần ghi chép và lưu trữ mọi sự có liên quan
- Nguyên tắc 3 - Bảo mật thông tin (trừ trường hợp thông tin đó gây hại cho bản thân thân chủ và cho người khác): Giữ bí mật là yếu tố chính để xây dựng được tương quan tin tưởng và thành thật giữa đôi bên. Thân chủ sẽ cảm thấy an toàn nếu những gì họ nói ra được giữ bí mật.
V. TIẾN TRÌNH VẬN ĐỘNG / BIỆN HỘ
1. Chọn lựa mục tiêu vận động/ biện hộ
- Xác định các vấn đề xã hội: Thuật ngữ “vấn đề xã hội” đề cập đến tình trạng, quá trình và thái độ xã hội được cho là tiêu cực, và không mong muốn, ảnh hưởng và gây hại cho xã hội (Jamrozik et al. 1998)
Vấn đề xã hội cần được đặt trong khung phân tích và trả lời những câu hỏi sau:
· Những vấn đề cần biện hộ ở đây là gì?
· Tại sao vấn đề lại xuất hiện? Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là gì?
· Nó đến từ những yếu tố cá nhân hay từ những bất bình đẳng về kinh tế xã hội hay do cả hai?
· Nó xảy ra cách ngẫu nhiên hay vì lợi ích nào đó mà bất chấp phải trả giá những thứ khác?
· Cái gì trực tiếp gây ra hoặc đã góp phần tạo nên vấn đề?
· Ai chịu trách nhiệm? Ai bị ảnh hưởng?
· Mức độ phức tạp của vấn đề như thế nào?
· Vấn đề này có thể thu hút được sự quan tâm của nhóm liên kết đa dạng hiện nay?
· Những rào cản ngăn trở việc giải quyết vấn đề?
· Đâu là giải pháp thích hợp và khả thi? Đâu là những Giải pháp dựa trên những chính sách có sẵn gì?
Ví dụ: cha mẹ đi xuất khẩu lao động đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước thì không thành vấn đề. Tuy nhiên, khi những đứa con bị bỏ ở nhà, hư hỏng và xã hội bị ảnh hưởng thì đây lại là vấn đề xã hội đáng quan tâm.
- Xây dựng mục tiêu ưu tiên: Mục tiêu trong công tác biện hộ cần được hiểu một cách phổ biến, rộng rãi là những gì cụ thể mà ta muốn thay đổi như một chương trình, chính sách, thể chế của chính phủ hay của một tổ chức
· Không nhất thiết chọn nhiều vấn đề cùng một lúc.
· Nên chọn vấn đề nào có thể can thiệp được
Bảng kiểm xác định mục tiêu tốt
· Mục tiêu này có khả năng thực hiện được như thế nào?
· Mục tiêu này có thể giải quyết được vấn đề hiện nay không?
· Mục tiêu có thu hút sự quan tâm hỗ trợ của nhiều người? Có khả năng thúc đẩy mọi người hành động?
· Có thể huy động được nguồn tài lực và vật lực cần thiết giúp thực hiện mục tiêu đề ra?
· Đã có thể xác định được đối tượng ra quyết định cần tác động? biết tên, và
vai trò của họ?
· Mục tiêu có dễ hiểu không?
· Mục tiêu có khung thời gian thực hiện phù hợp, khả thi không?
· Đã có những liên minh với các cá nhân hoặc tổ chức trong việc thực hiện mục tiêu? Và mục tiêu có giúp thúc đẩy xây dựng những liên minh khác như NGOs, các lãnh đạo hoặc tổ chức dân sự xã hội?
· Mục tiêu có tạo cơ hội cho những thành phần liên quan được tham gia để học hỏi và tham gia cả tiến trình?
Ví dụ: Vấn đề: Hầu hết các trẻ em và thanh thiếu niên đường phố tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội chưa tiếp cận được các chương trình điều trị về HIV/AIDS vì không có chỗ ở ổn định
Mục tiêu biện hộ: ban hành chính sách mở rộng các chương trình điều trị HIV/AIDS đến các nhóm người sống lang thang vô gia cư bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên
Giải pháp cụ thể: trung tâm tạm trú cho người chuyển sang giai đoạn AIDS, nhân viên y tế tiếp cận đường phố, dịch vụ điều trị di động
Thời gian thực hiện: 2 năm
2. Sử dụng dữ liệu cho công tác vận động/ biện hộ
- tìm hiểu và phân tích các dữ liệu thuyết phục cho công tác biện hộ. những dữ liệu tốt còn là cơ sở vững chắc cho các lý lẽ thuyết phục
- Những con số thống kê thường được sử dụng để tạo sự quan tâm của công chúng về các vấn đề xã hội. Nhưng trước khi bị thuýêt phục bởi các con số thống kê, chúng ta cần tìm hiểu bối cảnh ra đời của chúng
- Những việc cần tìm hiểu là: Vấn đề mà con số thống kê phản ảnh, phương pháp đo lường, nguồn gốc của dữ liệu, cách diễn giải dữ liệu thống kê
3. Xác định đối tượng cần tác động
- Đối tượng trực tiếp: bao gồm những người ra quyết định (thường liên quan đến chính phủ), và quyết định đó tác động trực tiếp đến mục tiêu biện hộ
- Đối tượng gián tiếp: những cá nhân hoặc nhóm có thể tác động đến những người ra quyết định. Lưu ý: đối tượng gián tiếp cũng có thể là những cá nhân, hoặc nhóm có ý kiến đối nghịch với mục tiêu của bạn – đưa họ vào trong danh sách để tiếp cận, làm việc với họ.
4. Phát triển và đưa ra thông điệp
Xác định thông điệp khiến đối tượng cần tác động hành động. “Thông điệp” luôn được phát triển ngắn gọn, trực tiếp đáp ứng mục tiêu vận động. Đôi khi thông điệp còn bao gồm cả việc khuyến khích có những hành động mà ta muốn đối tượng cần tác động thực hiện
5. Xây dựng mối quan hệ liên minh và tìm nguồn
- Sức mạnh của công tác biện hộ thường đi kèm với số lượng người sẽ ủng hộ mục tiêu biện hô. Việc tham gia của nhiều người đại diện cho lợi ích của nhiều tầng lớp có thể giúp công tác biện hộ trở nên vững vàng cũng như xây dựng sự hỗ trợ về mặt chính trị.
- Xây dựng mối quan hệ liên minh là đảm bảo cho công tác biện hộ đạt kết quả. Liên minh là một nhóm người và tổ chức mà ta có thể chia sẻ thông tin, cơ hội, kỹ năng, nguồn lực để bồi đắp sức mạnh tập thể. Liên minh có thể cho ý tưởng và cách nghĩ mới liên quan đến vấn đề cần biện hộ, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, hỗ trợ sáng kiến và tăng thêm sức mạnh tập thể, dễ dàng Làm việc trực tiếp với các đối tượng/ cộng đồng bên lề và những ai bị vấn đề tác động nhiều nhất, tạo mạng lưới rộng khắp và có thể biến thành phong trào
- Tìm nguồn là tập hợp những nguồn lực cần thiết, là kêu gọi mọi người đầu tư thời gian và công sức, tiền bạc….cho công tác biện hộ
6. Xây dựng kế hoạch và chiến thuật thực hiện
- xác định các dạng biện hộ có thể giúp đạt được mục tiêu đã đề ra ở bước số 1
- Xác định các phương pháp/ hoạt động biện hộ cần thiết
- xác định người, thời gian thực hiện và kết quả mong đợi
7. Thực hiện kế hoạch:
- Đây là giai đoạn có yếu tố quyết định trong toàn bộ tiến trình vận động, biện hộ. Trong đó, bạn sử dụng mối quan hệ liên minh cùng với các chiến thuật để tác động những người ra quyết định khiến họ hành động.
- Có thể chọn hoặc phối hợp các phương thức biện hộ khác nhau để đạt được kết quả cao.
- Cần thực hiện giai đoạn này thật cẩn thận và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng
- Sử dụng mối quan hệ liên minh cùng với các chiến thuật để tác động những người ra quyết định khiến họ hành động.
8. Lượng giá công tác biện hộ
- Đánh giá mức độ đạt được mục tiêu, xem xét các tác động
- Đề ra những chiến lược cải thiện nếu chưa đạt
- đảm bảo việc ứng dụng hiệu quả của chính sách
VI. MỘT SỐ KỸ NĂNG SỬ DỤNG TRONG BIỆN HỘ
1. Kỹ năng xây dựng thông điệp biện hộ
Sự cần thiết của thông điệp trong biện hộ
Thông điệp luôn là một phần việc thú vị song song với việc xây dựng mục tiêu vận động. Tuy vậy thông điệp không giống mục tiêu, và đôi khi thông điệp được xây dựng như một khẩu hiệu: ấn tượng và dễ nhớ.
Thực tế cho thấy nội dung thông điệp không hẳn luôn luôn phải là yếu tố quan trọng nhất. Những yếu tố khác cần được xem xét bao gồm: ai sẽ là người truyền thông điệp, thông điệp được truyền ra khi nào và ở đâu, và đôi khi thông điệp hiệu quả không nhất thiết phải được “phát hay nói ra” mà là “đưa ra” như thế nào
Đặc tính của một thông điệp tốt
Một thông điệp tốt bao gồm 5 khía cạnh:
- Nội dung/ý tưởng: Bạn muốn truyền đạt ý tưởng gì? Bạn sẽ thuyết phục đối tượng cần tác động như thế nào? Nội dung thông điệp cần phản ánh thật rõ những gì bạn muốn đạt được; tại sao cần đạt được điều này (và hậu quả sẽ là gì nếu không); bạn dự định đạt được như thế nào; và cuối cùng là bạn mong muốn đối tượng cần tác động sẽ làm gì. Những thông điệp hiệu quả thường được thiết kết bằng những nội dung, từ ngữ có nội dung tích cực. Ví dụ đối với trẻ em và những người có H, những từ đó thường là “gia đình”, “độc lập”, “khỏe mạnh, “cộng đồng”
- Ngôn ngữ: Bạn chọn từ gì để thông điệp được rõ ràng và thông suốt? Những từ nào không nên sử dụng?
- Người đưa thông điệp: ai là người mà đối tượng tác động sẽ chú ý và có phản hồi tích cực? Những người mà đối tượng tác động tin cậy
- Bối cảnh: bằng cách nào để thông điệp của bạn phát huy tối đa hiệu quả? Ví dụ: trong cuộc họp, một lá thư, phát trên tivi, bài báo?
- Thời gian và địa điểm: khi nào là thời điểm tốt nhất để truyền thông điệp? Nơi nào sẽ giúp thông điệp của bạn trở nên đáng được quan tâm và tin cậy?
Thông điệp gửi các nhà lập ra chính sách, ra quyết định
- Phần lớn công tác vận động biện hộ đều nhắm đến việc tác động đến các nhà lập chính sách và những người có thể ảnh hưởng đến họ. Những nhà lập chính sách bao gồm các cán bộ nhà nước, lãnh đạo các Bộ đương nhiệm ở các ngành mà bạn đang có ý định tác động để có sự cải thiện, ví dụ Bộ y tế, Bộ Giáo dục và Bộ LĐ, TB và XH; Các cơ quan, cá nhân có thể ảnh hửơng đến các Bộ có thể là Trung tâm và Ủy Ban Phòng Chống HIV/AIDS, UBND cấp Tỉnh/Thành.
- Nội dung thông điệp cần ngắn gọn, xúc tích và thuyết phục
- Ngay cả nếu các nhà lập chính sách không phải là các chính trị gia, thì cũng thuyết phục rằng việc họ quan tâm ủng hộ thông điệp sẽ có ích cho vị thế của họ.
- Những lập luận về lợi ích ngân sách cũng là một chiến lược sử dụng hiệu quả khi cần thiết.
- Một vài hình thức và cách chuyển thông điệp: Sắp xếp một cuộc họp chính thức, tận dụng những dịp thảo luận không chính thức tại các sự kiện văn hóa, xã hội, viết thư mang tính cá nhân hoặc tổ chức, tổ chức các chuyến thăm, họat động chăm sóc những người thiệt thòi
Ví dụ: Ngày càng có nhiều trẻ dưới 6 tuổi chết vì không tiếp cận được thuốc ARV. Mặc dù ngân sách đầu tư hằng năm của quĩ PEPFAR cho các chương trình điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam đều tăng, nhưng tỉ lệ trẻ em có H không tiếp cận được nguồn thuốc điều trị vẫn rất thấp so với số lượng có nhu cầu - đặc biệt là ở trẻ em đường phố có H.
Việc đầu tư một khoản nhỏ ngân sách điều trị cho trẻ em có H sẽ giúp cứu sống hàng ngàn sinh mạng đang khắc khoải chờ đợi. Chúng tôi rất mong có một cuộc họp với ông để thảo luận chi tiết hơn về vấn đề quan trọng này.
Thông điệp gửi các cơ quan thông tin đại chúng
- Cơ quan thông tin đại chúng là bất cứ cơ quan nào có hệ thống thông tin được thiết kế hướng đến số đông trong cộng đồng. Các cơ quan thông tin đại chúng là công cụ có tác động rất lớn và rộng, đến với cộng đồng người dân và các nhà lập và thi hành chính sách. Để thực hiện chức năng của mình, các cơ quan thông tin có thể thông qua nhiều phương tiện như radio, báo tờ, báo mạng, truyền hình, tạp chí.
- Nội dung thông điệp cần: Báo chí thường muốn biết tình hình vấn đề đã ảnh hưởng lên các cá nhân, và những bài viết về những mảnh đời thật thường được ưu chuộng. Cơ quan thông tin đại chúng cũng rất quan tâm đến các tin “nóng”, đang được xã hội quan tâm hoặc những câu chuyện có liên quan đến các vấn đề mà xã hội đang đề cập đến
- Một vài hình thức và cách chuyển thông điệp: Thông cáo báo chí, các sự kiện báo chí, các câu chuyện và hình ảnh minh họa đăng trên các trag mạng
Vd: Trích dẫn bên dưới là bài báo trên Tuổi trẻ Online, ngày Thứ Sáu, 01/01/2010:
Đừng gọi con tôi là "trẻ OVC"
TTO - Sáng nay 1-1, gặp chị H. ở xóm 2 xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cùng đứa con trai tám tuổi đi đón tết và nhận quà trên huyện về, thấy nét mặt của chị buồn rười rượi. Tôi hỏi duyên cớ làm sao thì chị H. bật khóc: "Từ ông lớn đến ông nhỏ đều gọi thằng Nam con tôi là trẻ con OVC, bọn nhỏ trong làng cũng gọi theo và thằng Nam nhà tôi có tên mới là OVC từ bao giờ không biết..."
“Trên huyện, chỗ bọn nhỏ đón tết cũng có một bảng chữ in to đùng: "Đón năm mới cho trẻ em OVC". Mấy bà, mấy chị đưa con đến nhận quà đều thấy rất khó chịu với cái tên OVC dành cho con cháu mình. Tưởng mình con tôi chứ hóa ra cái từ OVC đều dành cho hết thảy những đứa trẻ có hoàn cảnh đáng thương", chị H nói.
Trẻ OVC - trẻ có HIV hoặc chịu ảnh hưởng của HIV - thiết nghĩ chỉ nên dùng trong văn bản, còn trong quan hệ xưng hô hoặc giao tiếp với trẻ và người thân của trẻ thuộc diện nói trên, chúng ta nên tìm từ ngữ thích hợp để không gây mặc cảm cho họ với cộng đồng.
TRẦN CẢNH YÊN
(http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20100101/dung-goi-con-toi-la-tre-ovc/356349.html)
2. Kỹ năng thương lượng/đàm phán
Định nghĩa
- Trong công tác vận động, có thể hiểu thương lượng/đàm phán là hành vi và quá trình mà trong đó hai hay nhiều bên tiến hành trao đổi, thảo luận về các mối quan tâm chung và những điểm còn bất đồng để đi đến một thoả thuận thống nhất.
- Sử dụng thương lượng/đàm phán khi vấn đề này hợp pháp và có thể thương lượng/đàm phán được, Vấn đề này không cần phải kiện tụng, Thường là những vấn đề liên quan đến mua bán, nợ nần, nhu cầu cơ bản
Quy trình thương lượng/đàm phán
Chuẩn bị thương lượng/đàm phán:
- Xác định mục tiêu thương lượng/đàm phánBạn muốn thương lượng/đàm phán việc gì? Bạn muốn đạt được gì? (Ví dụ: tôi muốn có thêm một phòng khám thân thiện cho người vô gia cư). Liên quan đến những gì (tiền bạc, doanh số, điều kiện….)?Làm gì để có thể đạt được mục tiêu? Chiến lược/ phương án là gì? Cần có những tài liệu/ phương tiện/ công cụ gì để đạt được mục tiêu
- Tìm hiểu đối phương: Ai sẽ là người trực tiếp thương lượng? Chức vụ? Nam hay nữ? Quốc tịch? Tại sao họ chịu thương lượng? Đối phương muốn đạt được gì trong cuộc thương lượng/đàm phán đó? Hình thức khen thưởng hoặc động lực nào có thể làm cho đối phương chấp nhận hợp tác? Khả năng của đối phương là gì
- Khẳng định bản thân người thương lượng/đàm phán: điểm mạnh, điểm yếu, Mức độ hiểu biết vấn đề cần thương lượng, khả năng (quan sát, óc phán đoán và năng lực ra quyết định, Sự tự tin, Sự tự kiểm soát,Khả năng diễn đạt, Đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi, Linh hoạt ứng biến
- Xác định những gì có thể mất trong vụ thương lượng/đàm phán
Tiến hành thương lượng/đàm phán:
- Tiếp cận đối tác (gặp trực tiếp, viết mail hoặc điện thoại….) để đặt hẹn thương lương. Cố gắng cởi mở về lý do liên lạc
- Gây ấn tượng tốt ngay từ đầu: Trang phục, Cách xưng hô, Phong thái, Sự chân thành, Sự chững chạc…
- Kiểm soát được việc thương lượng/đàm phán: hiểu được cái giá phải trả của mỗi bên, hướng đến đạt mục tiêu và việc duy trì tương quan sau này, làm chủ bầu khí thương lượng/đàm phán,
- Linh động trong suốt quá trình thương lượng/đàm phán phòng khi đối tác quyết định thay đổi hướng thỏa thuận, suy nghĩ nhanh khi mọi việc bắt đầu bất lợi và nguy cơ không đạt được mục tiêu mong muốn
- Biết giới hạn của mình và nhu cầu của đối phương
- Xây dựng bầu khí ôn hòa: thật sự bình tĩnh, tránh những cơn xúc động, đừng tỏ ra mình là người thông minh vượt trội, chú ý lắng nghe đối tác trình bày, không được ngắt lời, không nên vội vàng trả lời, trình bày các ý kiến một cách tự tin, thoải mái và lưu loát, có sức thuyết phục cao
- Tập trung vào lợi ích của đôi bên chứ đừng tranh cãi về vị thế
- Khen ngợi đối tác đúng lúc và cách chân thành
Vd: Chị Bích – khuyết tật mắt dạng nhẹ được nhận vào xí nghiệp may và được hưởng 80% lương so với đồng nghiệp làm cùng năng suất
Sau thương lượng/đàm phán:
- Sau khi đã đạt được thỏa thuận, cần viết ra giấy với chữ ký của cả hai bên. Điều này không phải lúc nào cũng có thể và thực tế nên cần cân nhắc thời điểm đưa bản thỏa thuận. Trong phần lớn các cuộc thương lượng/đàm phán, một bên sẽ gửi thư và fax đến bên kia trong đó thỏa thuận được thảo ra để hình thành cơ sở pháp lý. Nếu phía đối tác sửa đổi các điều kiện trong thảo thuận bằng văn bản, những điều khoản được sửa đổi sẽ trở thành một phần của thảo thuận, trừ khi ta không tán thành văn bản đó, và những lý do khác…
- Dành thời gian để suy nghĩ những việc đã làm bằng cách trả lời những câu hỏi: Chúng ta đã làm được gì? Những việc đó mang lại kết quả như thế nào? Những gì chúng ta chưa làm được? Nếu được làm lại, chúng ta sẽ thay đổi điều gì?
Một số nguyên tắc căn bản
- Tránh định kiến, háo thắng, yếu đuối, chỉ bam vào một phương án cứng ngắc, vội vã, thiếu kiểm soát bản thân
- Có thái độ công bằng, không thiên vị trong thương lượng/đàm phán. Tránh bị ảnh hưởng bởi tin đồn và mang thái độ ác cảm
- Tạo không khí cởi mở và giúp đối phương xây dựng động cơ: điều này sẽ làm tăng sự tin cậy ở họ
- Đặt trọng tâm vào vấn đề cốt lõi, không tham lam hoặc đưa ra quá nhiều vấn đề một lúc trong thương lượng/đàm phán
- Có thể gợi ý để đối phương chọn lựa, nhưng tránh đưa ra thời hạn để gây áp lực
- Thường xuyên tóm tắt các ý đã thảo luận (hoặc thống nhất), điều này sẽ làm tăng sự hiểu biết
- Lập luận một cách điềm tĩnh và cố gắng diễn đạt các ý thật khách quan để bảo vệ các lập luận một cách hợp lý
- Biết chấp nhận tính hợp lý trong lý lẽ của đối tác/khách hàng, khi cần thiết
- Cố gắng sử dụng chiến lược win – win – cả hai đều thắng trong quá trình thương lượng/đàm phán
- Tìm kiếm các lựa chọn khác có lợi cho cả đôi bên
- Tập trung vào những mối quan tâm chung chứ không phải là quan điểm riêng của mỗi bên
- Giữ được tương quan tốt đẹp cho những lần thương lượng sau
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét