Trải Nghiệm Đầy Ý Nghĩa từ Ma Đanh – K’Típ
Trải Nghiệm Đầy Ý Nghĩa từ Ma Đanh – K’Típ.
Từ thành thị náo nhiệt, chúng tôi, nhóm sinh viên thực tập, có cơ hội trải nghiệm và sống chung với những người “lạ mà quen”. Từ nội thành Đà Lạt, chúng tôi tay xách nách mang hành lý, những vật dụng cá nhân cần thiết, cùng nhau di chuyển hơn 50 cây số để đến với Khu sản xuất K’Tip. Di chuyển theo cung đường vòng nên chúng tôi đã tới trễ hơn dự kiến.
Lần đầu tiên đến một làng xa, con đường gập ghềnh khó đi, tuy nhiên, khi chúng tôi tới nơi, các cô chú, anh chị đã tiếp đón rất nhiệt tình và vui vẻ. Cuộc sống ở nơi đây thật bình yên và giản dị, không ồn ào, tấp nập; có thể nghe được tiếng chim hót, ve kêu. Họ trang trí nơi tập trung bằng những cây cỏ đơn sơ trong vùng. Tôi thấy mọi người ở đó sống thật hoà đồng và thật hiếu khách! Họ phải dậy sớm để nấu cơm cho chúng tôi trong khi tiết trời rất lạnh. Vì không quen địa hình nên chúng tôi bị té không biết bao nhiêu lần nữa. Đặc biệt, những đứa trẻ trong vùng rất giản dị và vui tươi, chúng tôi cảm nhận được sự hồn nhiên trên khuôn mặt của chúng. Chúng tôi còn được ngủ ngay trong chính ngôi nhà của họ. Họ dành cho chúng tôi những điều tuyệt vời nhất.
Nét đặc trưng của khu canh tác này là hạn chế tối đa việc sử dụng phân thuốc hoá học. Chúng tôi học được kinh nghiệm làm cafe để cỏ của người dân, mọi người chia sẻ kinh nghiệm rất nhiệt tình. Mô hình này thật hiệu quả. Gia đình tôi cũng có trồng cafe nhưng họ sử dụng rất nhiều phân thuốc hoá học. Tôi thấy các chương trình của Caritas đầy ý nghĩa, điều đó thôi thúc tôi là một nhân viên công tác xã hội tương lai phải phấn đấu để trở thành những người hữu ích cho xã hội.
Bên cạnh đó Caritas còn tổ chức một buổi cầu nguyện di hành, hoà hợp với thiên nhiên. Thật sự tôi cảm nhận được sự vui mừng của người dân và trong đó có chúng tôi, biết yêu quý thiên nhiên, học cách bảo vệ môi trường.
Chuyến trải nghiệm này giúp tôi hiểu thêm được rất nhiều điều giá trị. Tôi hiểu được cuộc sống vất vả của người dân, cách ăn uống, sinh hoạt và văn hoá truyền thống nơi đây; hiểu được sự dũng cảm của người dân khi băng qua rừng vượt suối, những con đường hiểm trở cheo leo; nể trọng cách họ sống với thiên nhiên. Họ hầu như không có phương tiện di chuyển, chính vì thế mà cũng dễ bị ép giá sản phẩm và không có đầu mối để trao đổi hàng hoá. Bên cạnh đó, cảnh sống của họ còn nhiều thiếu thốn những nhu cầu cần thiết. Các đứa trẻ cùng làm việc với cha mẹ chúng, không có nước sạch để sinh hoạt. Điều đó đã thúc đẩy tôi biết cảm thông hơn với những nỗi khổ của người nông dân và đặc biệt thấy được những việc làm mà Caritas đã làm thật tốt đẹp. Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa bao la vì Ngài đã yêu thương nhân loại.
Nhóm SV thực tập Môn Phát triển cộng đồng - Trường CĐ. Kinh Tế
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét